Với Những Kẻ Mất Trí , An Toàn Chính Là Giấu Đi Suy Nghĩ Của Mình
“Muốn người ta không coi mình là bệnh nhân tâm thần, nhất định phải giấu kỹ một vài suy nghĩ, không được tùy tiện nói cho người khác biết, như vậy mình sẽ an toàn.”
Một cô bé còn rất nhỏ tuổi đã bị người nhà đưa vào bệnh viện tâm thần với câu chuyện kỳ quái của mình: Con người có linh hồn và là những linh hồn có đuôi. Cô bé giải thích rằng mọi sinh vật trên đời được linh hồn lấp đầy, nếu không có linh hồn, tất cả chỉ là vỏ rỗng. “Và linh hồn có đuôi, nhiều người nhìn thấy ma quỷ là do linh hồn trong người họ bị lộ đuôi, điều này thu hút các linh hồn khác.” Đến đây hẳn chúng ta cũng ngờ vực về thế giới quan và tâm lý của cô bé này. Những người tin câu chuyện này đa phần đều cảm thấy thương hại, số còn lại thì lo lắng nghi ngờ, trong đó có mẹ và thầy giáo của cô bé. Họ bỏ ngoài tai những thuyết phục tuyệt vọng của cô bé và đưa cô vào bệnh viện để bắt đầu những cuộc thăm khám, xét nghiệm.
Sau hai tháng, cô bé được ra viện sau khi được tác giả – nhà tâm lý khuyên rằng nếu thực sự muốn ra ngoài thì chỉ cần giống như linh hồn, quấn đuôi lại chui vào vỏ rỗng làm người. Muốn người ta không coi mình là kẻ tâm thần, nhất định phải giấu kỹ một vài suy nghĩ, không được tùy tiện nói cho người khác biết, như vậy mình sẽ an toàn.
Đây là một trong những câu chuyện hiếm gặp được ghi chép trong cuốn sách “Thiên tài bên trái kẻ điên bên phải” của Cao Minh về cuộc gặp gỡ giữa tác giả với một ca bệnh nhỏ tuổi của viện tâm thần. Một câu chuyện nhỏ giữa những cuộc trò chuyện phức tạp và hỗn độn được kể lại bằng những ghi chép cẩn thận, chắt lọc và tường thuật trung thực trong cuốn sách.
Bệnh viện tâm thần là tấm màn ngăn cách giữa xã hội bình thường với một xã hội bất thường. Nhưng trong lý giải của “Thiên tài bên trái, kẻ điên bên phải” những điều được nói ra mới là điều khiến người ta phân định vị trí xã hội. Nói điều mà số đông nói, làm điều số đông làm là người bình thường. Ngược lại, nói những điều không giống ai, làm những điều không ai giống mình mà không thể chứng minh được thì sẽ bị coi là kẻ điên, chứng minh được thì sẽ trở thành thiên tài.
Gấp lại cuốn sách “Thiên tài bên trái, kẻ điên bên phải” sẽ khiến bạn nhận ra rằng, mọi sự vật, sự việc diễn ra trong cuộc sống là những điều tương đối, giống như góc nhìn của cô bé trong câu chuyện trên. Thế giới này vốn cũng có rất nhiều thiên tài từng bị chê bai, ném đá và bị coi là kẻ điên, thậm chí là bị tử hình khi họ đưa ra những quan điểm trái với thông thường. Điều đúng đắn mà chúng ta có thể làm là đừng vội quy chụp ý kiến và góc nhìn của bất cứ ai, hãy ngừng phán xét và tôn trọng “sự khác biệt”.
Bởi thế giới của chúng ta còn chưa chuẩn bị sẵn sàng để dung nạp những sự việc kỳ quái hiếm thấy như vậy.
Xem tiếp: