Review & Những Trích Dẫn Hay Nhất Sách Kafka Bên Bờ Biển
Nhắc đến Murakami Haruki – người ta không khỏi nhớ đến thứ văn chương mộng mị và đầy mê hoặc trong từng câu chữ. Ông cũng là một trong những nhà văn Nhật Bản nổi tiếng nhất trong nước và trên toàn thế giới. Cho đến nay Murakami đã có nhiều tác phẩm nổi bật và bán chạy nhất trên thế giới như: Rừng Na Uy, 1Q84, Biên niên ký chim vặn dây cót, Kafka bên bờ biển, Phía nam biên giới, phía tây mặt trời, … Và chắc chắn List Sách sẽ gửi đến bạn những bài viết review tất cả sách của ông trong thời gian sắp tới.
Trước hết trong bài viết này, List Sách sẽ gửi đến bạn những review, những câu nói và trích dẫn hay nhất trong cuốn sách Kafka bên bờ biển – được xuất bản vào năm 2002 và là tác phẩm xuất sắc đem lại cho Murakami giải thưởng văn học Franz Kafka năm 2006.
TÓM TẮT NGẮN VÀ REVIEW KAFKA BÊN BỜ BIỂN
Tác phẩm kể về Kafka Tamura, cậu bé 15 tuổi, trốn khỏi nhà ở Tokyo để thoát khỏi lời nguyền khủng khiếp của người cha: “một ngày mày sẽ giết cha mày, ngủ với mẹ mày và cưỡng hiếp chị gái mày”. Trong suốt hành trình, cậu luôn tiếp xúc với những điều kì diệu như lời thì thầm quyến rũ, khu rừng đầy những người lính vừa thoát khỏi cuộc chiến tranh, con mèo biết nói hay cá mưa từ trên trời xuống …
Kafka bên bờ biển, câu chuyện hoang đường mở đầu thế kỷ XXI, cho chúng ta đắm chìm trong một chuyến du hành đầy sóng gió đầy chất hiện đại và mơ mộng trong lòng Nhật Bản đương đại.
Với thủ pháp huyền ảo kết hợp rất nhiều kiến thức thuộc các lĩnh vực khác nhau Kafka bên bờ biển được nhiều đọc giả ví như một mê cung một hợp lưu của trùng trùng những dòng nẻo triết học, nghệ thuật, lịch sử, khoa học… Hay như dịch giả Dương Tường đã viết: Nói theo thuật ngữ chưởng thì Murakami tung ra hơi nhiều “chiêu thức”.
Tác giả người Nhật Bản đã xây dựng khung sườn chính của Kafka bên bờ biển dựa trên mặc cảm Oedipe – một hiện tượng tâm lý không hiếm gặp ở trẻ nhỏ. Mặc cảm Oedipe được Freud nhận diện vào năm 1910. Tên gọi hội chứng tâm lý này vay mượn từ huyền thoại Hy Lạp – Vua Oedipe, ông này bị bỏ rơi từ lúc mới sinh, không biết cha mẹ ruột, về sau ông thậm chí đã giết cha mình rồi kết hôn với mẹ ruột.
Nhiều độc giả tự hỏi, Murakami muốn gửi gắm gì qua thông điệp này, phải chăng nó đại diện cho phần bản ngã xấu xí luôn hiện diện trong mỗi con người?
NHỮNG ĐOẠN TRÍCH DẪN HAY VÀ Ý NGHĨA NHẤT KAFKA BÊN BỜ BIỂN
1. Ý nghĩa thực sự của cuộc sống
“Mỗi người trong chúng ta đều đánh mất đi những thứ vô cùng quý giá. Mất đi cơ hội, mất đi khả năng, những cảm xúc mà không bao giờ ta kiếm tìm lại được. Đó chính là ý nghĩa tận cùng của sự sống.”
2. Chúng ta sẽ khác đi sau mỗi lần vượt qua giông bão
“Đôi khi, số phận giống như một cơn bão cát nhỏ cứ xoay chiều đổi hướng liên tục. Mày đổi hướng nhưng cơn bão cát đuổi theo mày. Mày lại quặt ngả khác, nhưng cơn bão cũng chỉnh hướng theo. Cứ thế quay tới quay lui, mày diễn tới cùng cái trò ấy như một điệu nhảy báo điềm gở với cái chết dữ ngay trước bình minh. Tại sao? Vì cơn bão cát ấy không phải là một cái gì từ xa thổi tới, một cái gì không liên quan đến mày. Cơn bão ấy là mày. Một cái gì bên trong mày. Cho nên tất cả những gì mày có thể làm là cam chịu nó, bước thẳng vào trong cơn bão, nhắm mắt lại và bịt chặt tai để cát khỏi lọt vào và từng bước một đi xuyên qua nó. Ở đó, không có mặt trời, không có mặt trăng, không phương hướng, cũng chẳng có ý thức gì về thời gian. Chỉ có cát trắng mịn xoáy lốc lên trời như xương nghiền tơi thành bụi. Đó là một thứ bão cát mà mày cần tưởng tượng ra.
Và mày thực sự sẽ phải vượt qua được cơn bão tượng trưng, siêu hình, dữ dội ấy. Bất kể nó có thể siêu hình hay tượng trưng đến đâu, chớ có mảy may lầm lẫn về nó: nó sẽ cứa vào thịt như cả ngàn lưỡi dao cạo. Nhiều người sẽ tướp máu và cả mày cũng sẽ tướp máu. Máu nóng đỏ tươi. Bàn tay mày sẽ dính máu ấy. Máu của chính mày và máu của kẻ khác.
Và khi cơn bão đã chấm dứt, mày sẽ không nhớ mình đã làm thế nào mà vượt qua được nó, làm thế nào mà mình đã sống sót. Thậm chí mày cũng sẽ không biết chắc là cơn bão đã thật sự chấm dứt hay chưa nữa. Nhưng điều này thì chắc chắn. Khi mày ra khỏi cơn bão, mày sẽ không còn là con người đã dấn bước vào nó. Ý nghĩa của cơn bão là như thế đó.”
3. Sự khác biệt nho nhỏ nhưng làm thay đổi cả cuộc đời một con người
“Mình biết là mình hơi khác mọi người, nhưng mình vẫn là một con người. Mình muốn cậu nhận thức rõ điều đó. Mình là một con người bình thường, chứ không phải một quái vật. Mình cảm nhận sự vật như mọi người, hành động như mọi người. Tuy nhiên, đôi khi cái khác biệt nho nhỏ ấy lại như một vực thẳm ngăn cách.”
4. Hãy nhìn nhận sự vật bằng đôi mắt và cảm nhận bằng trái tim
“Vấn đề không phải là thông minh hay đần độn, mà là nhìn sự vật bằng đôi mắt của chính mình.”
5. Bạn buộc phải sống, lòng nhân từ không dành trong cuộc chiến
“Khi một cuộc chiến tranh xảy ra, người ta buộc phải trở thành lính. Họ mang súng ra tiền tuyến và phải giết những người lính ở phía bên kia. Giết càng nhiều càng tốt. Không ai cần biết anh có thích giết người khác hay không. Đó là việc anh phải làm, thế thôi. Bằng không, anh sẽ là kẻ bị giết.”
6. Chỉ có kẻ hèn mới nhắm mắt lại và không dám nhìn vào thực tế
“Bác phải nhìn!” “Đó lại là một quy tắc nữa của chúng tôi. Nhắm mắt lại cũng chẳng thay đổi được gì. Chẳng có gì biến đi chỉ vì anh không nhìn thấy những gì đang diễn ra. Trên thực tế, tình hình thậm chí sẽ còn xấu đi khi anh mở mắt trở lại. Chúng ta đang sống trong một thế giới như thế đó. Hãy mở to mắt ra. Chỉ có kẻ hèn nhát mới nhắm mắt lại. Nhắm mắt, bịt tai đâu có thể làm cho thời gian ngững lại được.”
7. Khoảng cách không giải quyết được vấn đề
“Bỏ nhà đi đâu có giải quyết được mọi chuyện. Tớ không muốn can ngăn cậu, nhưng nếu tớ là cậu, tớ sẽ không tính chuyện trốn khỏi nơi này. Bất kể đi xa đến đâu chăng nữa. Khoảng cách chẳng giải quyết được gì hết.”
8. Con người sẽ thay đổi và phát triển theo thời gian
“Ta có một trải nghiệp làm thay đổi một cái-gì-đó trong ta, tựa như một phản ứng hóa học. Khi ta xem xét lại bản thân sau đó, ta phát hiện thấy tất cả các chuẩn mực sống ta quy theo trước đây đều đã lên một nấc và thế giới mở rộng ra nhiều chiều bất ngờ.”
9. Bạn của hôm nay khác ngày hôm qua
“Sự vật thay đổi từng ngày, bác Nakata ạ. Mỗi sớm thức dậy, thấy thế giới không còn như hôm trước nữa. Bản thân mình cũng không còn là con người từng là mình hôm qua nữa.”
10. Phải luôn kiên cường và mạnh mẽ
“Từ giờ trở đi, bất kể thế nào, cậu cũng phải là trang thiếu niên mười lăm tuổi kiên cường nhất thế giới. Chỉ có bằng cách ấy cậu mới sống qua nổi. Và để làm điều đó, cậu phải hiểu rõ kiên cường nghĩa là thế nào. Cậu nghe tớ đấy chứ?”
KẾT LUẬN:
Hy vọng với bài viết tổng hợp những trích dẫn, câu nói hay và review sách Kafka bên bờ biển một cách ngắn gọn này đã đủ để bạn có một cái nhìn tổng quát hơn. Nếu bạn đã từng đọc quyển sách này của Murakami thì đừng quên để lại những bình luận, đánh giá và review ở bên dưới nhé. Còn nếu chưa, thì còn chần chừ gì nữa mà không đọc tác phẩm xuất sắc này ngay hôm nay?
Bài viết liên quan: